Theo Trung tâm Xúc tiến nhập khẩu Tây Ban Nha, nước này chỉ thu hoạch được khoảng 666.000 tấn dầu ôliu trong mùa vụ 2022-2023 và dự kiến mùa vụ 2023-2024 được 830.000 - 850.000 tấn. Quốc gia này vốn sản xuất khoảng 1,3 - 1,5 triệu tấn dầu ôliu mỗi vụ thu hoạch, cung cấp hơn 40% sản lượng của thế giới.

Các nước thuộc Liên minh châu Âu sản xuất tổng cộng 2/3 lượng dầu ôliu toàn cầu. Vì vậy, sự thiếu hụt vừa qua đã đẩy giá của sản phẩm được ví là "vàng lỏng" này lên cao kỷ lục - đạt 9,2 euro/kg hồi tháng 1.

Giá hiện đã giảm bớt sau những cơn mưa vào tháng 3 và 4 nhưng các nhà phân tích cho rằng trữ lượng dầu ôliu suy giảm vẫn có thể khiến giá tăng đột ngột trở lại.

Theo bà Helena Bennett, người đứng đầu về chính sách khí hậu tại tổ chức tư vấn độc lập Green Alliance UK, biến đổi khí hậu đã góp phần khiến giá dầu ôliu ở Tây Ban Nha hiện cao hơn khoảng 112% so với năm 2022 và điều này cũng xảy ra với các loại lương thực khác.

Người dân đi lấy nước từ một giếng công cộng hiếm hoi ở thị trấn Kasara, bang Maharashtra - Ấn Độ giữa nắng nóng hôm 1-5 Ảnh: REUTERS

Trong khi đó, theo Reuters, miền Đông Ấn Độ đã trải qua tháng 4 nóng nhất kể từ năm 1901, khiến ít nhất 9 người thiệt mạng.

Bang Tây Bengal ghi nhận số ngày nắng nóng nhiều nhất trong tháng trong 15 năm qua, còn bang Odisha trải qua đợt nắng nóng tồi tệ nhất trong 9 năm. Cơ quan thời tiết Ấn Độ hôm 1-5 dự báo nhiệt độ trung bình của tháng 5 cũng sẽ cao hơn mức bình thường.

Tại Hy Lạp, nơi vừa trải qua mùa đông ấm kỷ lục, nhà chức trách đang cảnh báo nguy cơ cháy rừng, đe dọa mùa màng, nhà cửa và ngành du lịch.

Trái lại, các cơn mưa xối xả gây nhiều thiệt hại ở Trung Quốc, Brazil và Kenya. Tại Trung Quốc, một đoạn đường cao tốc ở tỉnh Quảng Đông bị sạt lở hôm 1-5, khiến gần 50 người thiệt mạng cho đến nay.

Ở miền Nam Brazil, ít nhất 10 người thiệt mạng và 21 người mất tích do mưa lớn trong tuần này tại bang Rio Grande do Sul. Còn tại Kenya, lũ lụt liên miên từ tháng 3 đã làm 181 người tử vong.